Mẹ Chồng: Vở Bi Kịch Thân Phận

Thời đại phong kiến Việt Nam với ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Nho Giáo đã khiến thân phận con người chịu nhiều sự kìm kẹp vô nghĩa. Phim chiếu rạp Mẹ Chồng xét lại hai vấn đề nổi cộm nhất – chế độ đa thê và những phép tắc hà khắc.

Ở một miền quê nào đó tên là Đại Điền vào những năm 1940 – 1950, gia đình hội đồng Lịnh có thêm thành viên mới, cô con dâu Ba Trân. Từ khi về làm dâu, cô luôn phải chịu nhiều bất hạnh bởi gia đình nhà chồng. Rồi thời gian qua, Ba Trân tiếp tục lặp lại bi kịch đời mình khi cô trở thành mẹ chồng. Một cái vòng luẩn quẩn…

Chủ đề xuyên suốt của phim hay này là những cuộc đấu đá trong nội bộ gia đình, những mưu kế thâm hiểm… Có thể gọi đùa đây là “Thâm Cung Nội Chiến” phiên bản Việt Nam. Dường như phần lớn các cảnh đều có sự đấu đá, xâu xé giữa các thành viên với nhau. Sẽ có người không thích nhưng dù sao chủ đề này có thật và đây chắc chắn là nó thú vị.

“Sen là sen, lài là lài, không thể lẫn tạp”

Điều đáng khen đầu tiên dành cho diễn viên. Thanh Hằng đã chứng minh được rằng lấn sân từ người mẫu sang diễn viên là khả thi, nếu như thật sự có tài năng diễn xuất. Siêu mẫu nhập vai người phụ nữ quyền lực Ba Trân rất tốt. Cô thể hiện được uy quyền và thần thái của một kẻ nắm quyền sinh sát và những cảnh nóng đầy tính hoang dại, tiếc là bị kiểm duyệt cắt nhiều.

Bà hội đồng – Diễm My tuy chẳng phải học lời thoại như chính bà thú nhận nhưng vẫn nhập vai mẹ chồng xưa khó khăn cay nghiệt một cách xuất sắc. Hi vọng sau phim mới này Diễm My sẽ có những “vai được nói” nhiều hơn.

Ngọc Quyên lại diễn tốt trong phân cảnh xung đột với cậu con trai và Ba Trân. Sự nhẫn nhịn khi một người phụ nữ chịu khuất phục dưới một người phụ nữ khác và tâm trạng giằng xé thương con được miêu tả qua những hành động vội vàng xin lỗi hay tát con khá chân thực.

Lan Khuê và Midu thì một chín một mười. Hai cô vợ Tư Thì và Tuyết Mai đều là dạng vai có độ khó nhất định. Có lúc thấy họ đối xử tốt với nhau, lúc lại như đối thủ. Lan Khuê đầy bình thản đến độ hài hước, trong khi Midu biểu lộ vẻ trong sáng ngây thơ.

Trái với hai cô gái thể hiện khá tốt, cả Lâm Vĩnh Hải lẫn Song Luân có phần hụt hơi. Có lẽ do tuổi nghề còn trẻ so với những đồng nghiệp nữ đầy kinh nghiệm. Lâm Vinh Hải vào vai một người tâm thần chưa thuyết phụcCòn Song Luân nhiều cảnh đọc thoại không cảm xúc, nhất là các phân đoạn đối thoại với Tuyết Mai.

Phần hình ảnh Mẹ Chồng được ekip chăm chút rất kỹ, vì đây là một phim lấy bối cảnh xưa. Màu sắc tươi sáng phần nào làm giảm đi sự đấu đá khốc liệt. Song song đó, màu phim đậm chất điện ảnh, không kém một phim Việt nào.

Thiết kế trang phục phim khá đẹp và phong phú; từ áo dài cho tới áo bà ba đều có nét riêng với chất liệu lụa gấm, đính họa tiết cườm, hoa, phụng hoàng. Cô Ba Trân với những bộ trang phục quyền quý, tạo nên nét nổi bật cho người nắm trong tay cả vùng Đại Điền. Đặc biệt hơn cả là chiếc áo có con rắn bạc trước ngực– cũng là cách điệu từ logo. Con rắn này ngầm ý sự lạnh lùng, độc ác hay sự linh hoạt của mẹ chồng? Có thể tin chắc rằng trang phục làm nên tính cách nhân vật phim. Đồ đạc nội thất ở nhà hội đồng đúng là sang trọng theo kiểu cách xưa. Những bộ bàn ghế, tủ thờ, bình hoa, tranh tường, cửa màn, ly ấm… gợi lại cảm giác thân quen thời Pháp thuộc.

Nhạc phim cũng tuyệt vời khi diễn tả đúng nét buồn, nét cổ kính ở một làng quê miền Nam xưa với những nhạc lễ, những câu khấn thú vị, đầy vần…

Nếu có một vai diễn nào đó gây nhiều sự tiếc nuối cho khán giả thì đó chính là vai mợ Bảy Loan. Mở đầu bằng một đám cưới hoành tráng rồi sau đó mất hút dần dần. Khán giả chờ mong có sự xung đột giữa hai bà mẹ chồng tranh giành quyền giữ chìa khóa tủ gia bảo đã thất vọng!

Kịch bản Mẹ Chồng là một kịch bản hay, thế nhưng khâu biên kịch làm chưa tốt, cụ thể là chưa đào sâu các chi tiết cho nên gây khó hiểu cho người xem. Các cảnh phim bị chia nhỏ ra nhưng không liên kết với nhau. Người xem không biết Tư Thì xuất hiện từ bao giờ, liệu cô có xuất thân từ tầng lớp tá điền? hoặc mợ Bảy Loan cũng có đứa con trai? Cách Bảy Loan, Tuyết Mai, Thiện Khiêm xuất hiện quá đột ngột.

Bộ phim cứ dần dần đều như vậy cho tới kết thúc bất ngờ. Đọng lại trong tâm trí người xem là những giọt nước mắt. Tất cả nhân vật đều khóc. Đó là một bà hội đồng Hai Lịnh bất lực khi chứng kiến những biến cố gia đình mình. Đó là tủi nhục cho phận vợ lẽ Bảy Loan. Rồi giọt nước mắt hối hận của Thiện Khiêm. Kể cả sự giằng xé giữa tình cảm cá nhân và bổn phận làm dâu cá chậu chim lồng của Tuyết Mai. Và trên hết là cái kết cục đau đớn Ba Trân sau tất cả…

Theo GalaxyCine