“Mẹ Chồng” của Thanh Hằng chính là cú “chốt sổ” đầy ngoạn mục của phim Việt vào tháng cuối cùng của 2017!
Nếu như tháng 11 vừa rồi, khán giả được dịp ngây ngất với sự sâu lắng đến chỉn chu của “Cô Ba Sài Gòn” thì tới đây, những thước phim đến từ “Mẹ Chồng” sẽ ập vào tâm trí người xem như một cơn sóng đầy thăng trầm và dữ dội.
Giống như những bộ phim “cung đấu” của Hồng Kông hay Trung Quốc 10 năm về trước, Mẹ Chồng thuật lại trận chiến đầy kịch tính của những người phụ nữ trong gia đình hội đồng Lịnh, giữa một bối cảnh mang đậm màu sắc Tây Nam Bộ những năm 50. Bộ phim khắc họa lại mối quan hệ vốn đã đầy cay đắng giữa “mẹ chồng – nàng dâu”, một chủ đề “xưa như trái đất” nhưng vẫn luôn hiện hữu, đã và đang kéo dài qua nhiều thế hệ người Việt.
Dàn diễn viên của Mẹ Chồng quy tụ những nhân vật tên tuổi trong làng giải trí, trải dài từ mọi độ tuổi và trình độ diễn xuất như Midu (trong vai cô gái tân thời Tuyết Mai), Lan Khuê (đảm nhận vai cô gí bần nông Tư Thì), Ngọc Quyên (mợ Bảy Loan an phận nhất nhà), Thanh Hằng (cô Ba Trân với hành trình từ dâu hiền trở thành rắn độc) và Diễm My 6x (hiện thân của bà Hai Lịnh, người phụ nữ quyền lực nhất dòng tộc). Với ca “chơi lớn” lần này của đạo diễn Lý Minh Thắng, liệu Mẹ Chồng có làm khán giả đủ choáng ngợp và ghi nhớ?
Một cốt truyện vừa mới lại vừa cũ. Không những thế, có lạ và có cả quen!
Cuộc chiến không cân sức giữa mẹ chồng và nàng dâu là đề tài muôn thuở của triệu gia đình Việt. Ông cha ta đã khẳng định: “Khác máu tanh lòng!”. Đã là những người lạ bước vào cuộc đời nhau, không có lí gì tôi và cô phải thương nhau. Có chăng, cả hai chỉ có một điểm chung duy nhất là đang thương cùng một người đàn ông mà thôi. Trước khi bom tấn điện ảnh này được trình làng, khán giả Việt đã có cơ hội “phát cuồng” về series phim truyền hình dài tập Sống chung với mẹ chồng. Nên không phải ngẫu nhiên mà Mẹ Chồng có sự góp mặt của siêu mẫu Thanh Hằng lại gây sốt thị trường điện ảnh Việt khá im lìm vào cuối năm như thế.
Bao trùm cả bộ phim chính là không khí đặc mùi phong kiến. Những lễ giáo hà khắc hiện lên dưới đòn roi của bà Hai Lịnh. Phụ nữ thì giống như một cái “máy đẻ” không hơn không kém, không đẻ được con nối dõi cho dòng họ thì sẵn sàng bị thay thế bất cứ lúc nào. Những ganh ghét, đố kị, tranh đấu giữa các thế hệ và những luồng tư tưởng khác nhau chính là mâu thuẫn trung tâm của bộ phim.
Đề tài “mẹ chồng – nàng dâu” nghe có vẻ cũ kĩ và nhàm chán, nhưng khi vào tới Mẹ Chồng, mâu thuẫn này liên tiếp qua từng thế hệ, khiến cho “mẹ chồng – nàng dâu” không chỉ dừng lại ở xung đột. Với một cốt truyện đầy lớp lang như thế, đương nhiên cảm xúc bao trùm sẽ là sự tranh đấu, ghì nén và ganh ghét. Nhưng bên cạnh đó, ẩn giấu sau vài chi tiết nhỏ trong các phân cảnh, khán giả vẫn tinh tế nhận ra rằng suy cho cùng, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu thương mà thôi.
Bởi người phụ nữ nào chả giàu cảm xúc. Người mẹ nào mà chẳng yêu con, vì chồng. Có chăng sự yêu thương ấy trở nên thái quá, nên cảm xúc bỗng dưng bị thay hình, đổi dạng, biến thành tranh đấu tự lúc nào không hay.
Diễn xuất “tròn vành vạnh” từ người “phụ” nhất tới người “chính” nhất
Nói Mẹ Chồng chính là cú trở lại đầy bất ngờ sau nhiều năm vắng bóng màn ảnh của Thanh Hằng là không ngoa chút nào. Bởi ở nhân vật cô Ba Trân, tuổi đời được trải dài từ lúc thiếu nữ đôi mươi chưa chồng, cho tới khi làm dâu nhà Hai Lịnh, và cả khi đã “thống lĩnh” được toàn bộ gia tộc với quyền lực có 1-0-2 của mình. Ở tất cả, Thanh Hằng đều làm rất vừa vặn, tròn và đẹp, không quá suồng sã nhưng cũng không quá đơn thuần. Đấy là cái bình tĩnh đủ để làm người khác phải dè chừng từng bước đi. Là cái liếc nhìn, hãy khoảnh khắc uống từng ngụm trà đầy quý phái, sang trọng nhưng cũng muôn phần tôn nghiêm khiến ai ai cũng phải kiêng nể.
Về các nhân vật khác tuy có sự khác nhau về trình độ chín của diễn xuất nhưng khi Diễm My 6x, Ngọc Quyên, Lan Khuê và Midu cùng đứng trong một khung hình, một bối cảnh thì lại vẽ nên một bức tranh hoàn hảo. Diễn xuất còn non trẻ của Midu khá hợp với hình tượng cô tiểu thư tân thời trong sáng. Sự điềm tĩnh đến mức có phần nguy hiểm của Lan Khuê lột tả một cách xuất sắc cho câu nói: “Chị không phải là thứ hiền từ!”. Ngọc Quyên được trời phú cho ngoại hình hiền lành, đằm thắm nên khi vào phim với hình tượng người đàn bà an phận, cô rất hợp. Cuối cùng là Diễm My 6x xuất hiện chớp nhoáng và đầy cao sang ở “Cô Ba Sài Gòn lúc đến với Mẹ Chồng, cô có ánh mắt nhẫn nại của một người mẹ bán thân bất toại đang dõi theo từng thứ một trong ngôi nhà của mình bị xáo trộn, quả là ám ảnh!
Nhưng vẫn còn một rổ những điều chưa thỏa đáng…
Một tác phẩm điện ảnh có tốt, có dở là chuyện thường tình. “Mẹ Chồng” với dàn sao “khủng” này cũng không phải là một ngoại lệ.
Nếu là một khán giả ưa thưởng thức các tình tiết phim đan vào nhau một cách chậm rãi, khéo léo để dẫn dắt người xem qua từng cung bậc cảm xúc, thì “Mẹ Chồng” có lẽ sẽ không phải gu của bạn. Bởi nhịp chuyển cảnh và thay đổi tình tiết của phim khá nhanh chóng, dồn dập, khán giả sẽ dễ bị hoảng, từ đó, cảm xúc sẽ khó đọng lại sâu trong tâm trí người xem.
Chưa hết, bộ phim còn bị mắc một lỗi phổ biến của các dự án được đầu tư, chăm chút vài chục tỉ, đó là quá tham lam. Một bộ phim được chiếu ngoài rạp chỉ vỏn vẹn 80 – 150 phút là kịch kim. Thời lượng thì ngắn, nhưng số lượng nhân vật trong “Mẹ Chồng” thì nhiều. Đàn bà, đàn ông, chính cho đến phụ rồi cả quần chúng, mỗi người lại có một cái tên khác nhau, những tính cách và tạo hình nhân vật không ai đụng ai nên điều này, phần nào đó, khiến phim không được phân bổ đều cho các vai diễn. Vậy nên người thì nổi bật, kẻ thì xuất hiện chớp nhoáng đến mức khán giả chưa kịp nhớ tên thì đã phải nói lời tạm biệt. Nếu như “Mẹ Chồng” biết tiết chế tuyến nhân vật dày đặc này đi, thì bộ phim sẽ khiến khán giả cảm thấy trọn vẹn và thỏa mãn hơn nhiều phần.
Kết
“Mẹ chồng nào cũng từng là nàng dâu”. Đây chính là thông điệp của vòng xoáy không hồi kết mà tác phẩm điện ảnh Mẹ Chồng muốn gửi gắm tới các khán giả, đặc biệt là những người con, người mẹ ngoài kia. Bà Hai Lịnh hà khắc với cô Ba Trân. Rồi khi bà Hai Lịnh đi mất, Ba Trân lên nắm quyền, cô lại đè nén từng đấy áp lực lên những người con dâu kế tiếp là Tư Thì và Tuyết Mai. Cứ thế, câu chuyện này không bao giờ có hồi kết.
Toàn bộ phim được khoác lên một màu u ám, uất hận. Có những tiếng hét, những giọt nước mắt của hạnh phúc lẫn oan ức tột cùng. Có cả những tiếng nghẹn ứ nơi cổ họng vì những luật lệ hà khắc thời phong kiến. Và thậm chí, ở phim còn có cả những cái chết câm nín đầy tức tưởi. Nhưng vượt lên tất cả những điều ảo não đó, Mẹ Chồng như muốn gửi tới chúng ta thông điệp về sự cảm thông, tình yêu thương và lòng gắn kết giữa các thế hệ gia đình với nhau. Nhất là mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu vốn đã đi vào ca dao tục ngữ một cách không mấy êm đềm “Mất tiền mua mâm thì bà đâm cho thủng”.
Theo afamily